CÁC HẠNG MỤC KIỂM TRA, CHĂM SÓC XE TẢI SAU TẾT
CÁC HẠNG MỤC KIỂM TRA, CHĂM SÓC XE TẢI SAU TẾT
Thông thường, các chủ xe có thói quen chăm sóc và bảo dưỡng xe tải trước Tết nhằm đáp ứng tần suất chở hàng dày đặc do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, việc bảo dưỡng chăm sóc xe tải sau Tết cũng quan trọng không kém góp phần duy trì tuổi thọ cho xe và giúp xe hoạt động trơn tru hơn sau giai đoạn xe “nghỉ Tết”.
1. Vệ sinh ngoại thất
Trong những đợt chuyên chở hàng trước Tết, chiếc xe tải của bạn đã chạy qua nhiều cung đường khác nhau, có khi là phải đi đường tỉnh xa và qua nhiều vùng có địa hình xấu khiến các chi tiết ngoại thất và gầm xe bị bám bẩn bởi bùn đất, khói bụi,... Cùng với đó thì trong Tết xe tải thường ít được sử dụng đến, đây cũng là nguyên nhân khiến cho xe bị bám bụi, đặc biệt là trên các mặt kính của xe. Chính vì thế, việc vệ sinh sạch sẽ, “tút tát lại vẻ ngoài” của xe sẽ là hạng mục chăm sóc xe tải sau Tết mà hầu hết các chủ xe đều thực hiện để chuẩn bị cho những chuyến hàng đầu năm mới.
2. Vệ sinh nội thất
Cùng với việc vệ sinh ngoại thất thì bạn cũng đừng quên “tân trang” lại phần nội thất bên trong xe, bao gồm các bộ phận trong cabin và cả trong thùng hàng. Trong đó, có một số chi tiết trong cabin cần xử lý kỹ lưỡng hơn như vô lăng xe, bề mặt ghế, các tấm thảm, hộc đựng đồ, cửa gió điều hòa,... vì đây là những chi tiết mà bạn thường xuyên tiếp xúc, khó trách việc tích tụ cặn bẩn, vi khuẩn gây mùi hôi trên xe và có khả năng gây hại cho sức khỏe.
3. Kiểm tra tình trạng lốp
Lốp xe tải là bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến khả năng vận hành xe, độ an toàn khi sử dụng và cả mức tiêu hao nhiên liệu. Vì thế, các chủ xe và bác tài cần thường xuyên kiểm tra tình trạng lốp, đặc biệt là sau khoảng thời gian xe phải hoạt động với công suất cao hoặc khi không sử dụng. Cụ thể, bạn cần xem xét và kiểm tra các chỉ số về áp suất lốp, độ mòn lốp và lưu ý kỹ các vấn đề như bề mặt lốp bị nứt, rách,... để kịp thời khắc phục hoặc thay lốp xe mới.
4. Kiểm tra bình ắc quy
Sau khi kiểm tra lốp xe thì ắc quy chính là bộ phận tiếp theo mà các chủ xe và tài xế cần kiểm tra trong quy trình các hạng mục chăm sóc xe tải sau Tết. Bởi lẽ, sau một thời gian trong Tết không hoạt động, hệ thống bình ắc quy trang bị trên xe có thể không đủ nguồn điện để khởi động lại động cơ.
Gợi ý kiểm tra tình trạng bình ắc quy tương đối chính xác thông qua màu mắt thăm (ở bên cạnh cực dương của bình ắc quy khô):
- Mắt thăm màu xanh: Cho thấy tình trạng ắc quy tốt và sử dụng bình thường.
- Mắt thăm màu đen: Ắc quy bị yếu điện, cần nạp sạc bổ sung. Lúc này, bạn hãy liên hệ cho các đơn vị hỗ trợ, cứu hộ xe hoặc các trạm dịch vụ uy tín gần đó để sạc lại điện.
- Mắt thăm màu trắng: Báo hiệu ắc quy đã bị hỏng, phải thay thế mới.
Ngoài ra, bạn cũng có thể biết tình trạng ắc quy thông qua đèn báo lỗi ắc quy hiện trên đồng hồ taplo (ký hiệu đèn màu đỏ và có hình bình ắc quy) hoặc kiểm tra bằng mắt thường. Nếu phát hiện dấu hiệu bình ắc quy bị hư hỏng hoặc có các phần bị biến dạng thì bạn nên thay mới bình để đảm bảo an toàn. Thêm vào đó, sau khi kiểm tra, bạn cũng cần vệ sinh lại các dây cắm và đầu cắm tiếp xúc với hệ thống bình ắc quy để ngừa tình trạng rỉ sét dẫn đến việc dẫn điện kém và giảm tuổi thọ ắc quy.
5. Kiểm tra âm thanh động cơ
Để thực hiện kiểm tra âm thanh động cơ, bạn có thể áp tai lại gần động cơ để nghe âm thanh được rõ hơn. Nếu động cơ phát ra tiếng động lạ thì rất có thể đã bị lỗi hoặc trục trặc các chi tiết bên trong. Lúc này, bạn nên đem xe đi bảo dưỡng và sửa chữa lại để động cơ có thể hoạt động ổn định trở lại và tối ưu công suất.
Tham khảo mẹo “bắt bệnh” động cơ thông qua một số âm thanh:
- Âm thanh như tiếng gió rít: có thể liên quan đến hệ thống làm mát động cơ và rò rỉ đường ống chân không.
- Tiếng cộc cộc lớn: nguyên nhân gây ra tiếng động này có thể do mòn piston và xéc-măng hoặc do dầu bôi trơn chưa được bơm và đẩy lên kịp vào chi tiết trong hệ thống.
- Tiếng ào ào ngày càng lớn dần: có thể liên quan đến lượng dầu bôi trơn động cơ bị thiếu hụt trầm trọng do tắc đường dẫn dầu, chất lượng dầu bôi trơn kém hoặc đã lâu không thay dầu.
- Tiếng cốc cốc như gõ cửa: âm thanh này có thể do lỗi hệ thống bơm nhiên liệu không thể đẩy nhiên liệu lên hoặc các van bơm có khe hở.
6. Kiểm tra các loại dung dịch
Bước cuối trong việc kiểm tra và chăm sóc xe tải sau Tết là kiểm tra lại các loại dung dịch trên xe tải. Bao gồm: dầu trợ lực, dầu phanh, dầu hộp số, nhớt động cơ, nước làm mát,... Mục đích của việc này là để đảm bảo các mức dung dịch không bị hao hụt hay có bất kỳ hiện tượng bất thường nào.
Trên đây là gợi ý 6 hạng mục chăm sóc xe tải sau Tết mà các chủ xe và bác tài có thể dễ dàng thực hiện tại nhà. Dothanh Auto hy vọng đã cung cấp những thông tin bổ ích giúp các khách hàng vận hành xe ổn định và an toàn, bắt đầu cho những chuyến hàng trong năm mới 2022 đầy thuận lợi và suôn sẻ.